Hoang's Personal Words

Thiết kế trải nghiệm người dùng (Phần 2)

Ngày 13 tháng 4, 2020

Quan điểm của người dùng

Quan điểm của người dùng nghe hơi học thuật, hiểu đơn giản hơn thì ở phần này ta sẽ bàn về suy nghĩ của người dùng khi sử dụng sản phẩm. Để đánh giá được một sản phẩm có thiết kế tốt đối với người dùng hay không thì phải trả lời được 3 câu hỏi khi họ nhìn vào một thiết kế: Đây là cái gì? Lợi ích của nó đối với người dùng là những gì? Người dùng sẽ phải làm gì tiếp theo?

Đây là cái gì?

Tác giả đề cập đến việc nhiều designer thường bỏ qua những thứ cơ bản để dẫn dắt người dùng hiểu được đó là gì, ví dụ như hình ảnh, title, và vân vân… bởi vì họ nghĩ ai cũng biết rồi thì đưa vào làm gì. Nhưng thật tệ hại nếu bạn cũng đang nghĩ như vậy, sự thật là không phải người dùng nào cũng biết “nó là gì”, “nó dùng để làm gì”, chắc là bạn chưa thấy trường hợp người bạn của mình cố gắng nhập thông tin đăng nhập vào một form đăng ký chỉ vì trang đó không thể hiện rõ đó là form đăng nhập hay đăng ký, chỉ có 2 input là username và password, thiết kế thật là tệ phải không?

Vậy nên, hãy thể hiện rõ cho người dùng biết họ đang tương tác với cái gì, nhưng rõ ràng không có nghĩa là bạn ném cả cái quyển từ điển hay sớ vào mặt người dùng đâu nhé, hãy đơn giản nhất có thể!

Trong đó có cái gì vậy?

Đây là cách bạn nhận được lượng người dùng sử dụng sản phẩm của bạn thường xuyên, hãy cho người dùng biết những lợi ích, những thứ mà họ có thể nhận được khi sử dụng sản phẩm của bạn. Một chiêu trò mà đám làm marketing dùng suốt mà không bao giờ hết hiệu quả, đưa ra những lợi ích và người ta sẽ đổ vào sử dụng sản phẩm của bạn. Động lực dành cho người dùng có giá trị hơn ngàn lần mấy cái hình ảnh bay bổng mà bạn dành cả ngày để vẽ ra.

Nên nhớ rằng, bạn cần phải giúp người dùng biết trong đó có lợi ích gì dành cho họ, việc quyết định là ở người dùng, chứ không phải cho họ biết lợi ích mà bạn nhận được khi họ sử dụng sản phẩm đâu nhé.

Nên làm gì đây?

Khi người dùng đã hiểu được sản phẩm của bạn là gì, lợi ích mà họ nhận được là gì rồi thì điều quan trọng nhất dẫn đến hành động tiếp theo của người dùng là cách thể hiện các nút kêu gọi hành động (call to action button). Bạn sẽ cần phải làm nổi bật chúng lên, mọi thứ, từ cách giải thích sản phẩm, thể hiện ra lợi ích dành cho người dùng đều phải dẫn đến kết luận là họ nên click vào nút đó hoặc thực hiện hành động nào đó trên thiết kế. Tỉ lệ chuyển đổi (conversation rate) sẽ chỉ được tính nếu người dùng quyết định đi theo hướng mà bạn đã vẽ ra cho họ thôi.

Giải pháp hay Ý tưởng

Công việc của designer là sáng tạo, và cách để thể hiện sự sáng tạo của bạn là đưa ra những ý tưởng. Ý tưởng đến từ mọi thứ, từ những sở thích cá nhân của chính bạn, hoặc đến từ việc giải quyết vấn đề cá nhân của bạn hoặc người thân, một số ý tưởng đó sẽ là giải pháp để giải quyết những vấn đề.

Giái pháp hơn ý tưởng ở chỗ là nó có ý nghĩa với mọi người. Người làm UX design phải tập trung vào việc tìm giải pháp để có thể giải quyết được các vấn đề của người dùng. Nghĩa là, bạn phải dành nhiều thời gian để hiểu các vấn đề, đây là khái niệm về sự thấu hiểu người dùng trong Design Thinking, bạn phải đặt mình vào vị trí người gặp vấn đề, có sự thấu hiểu với họ và tìm cách đưa ra giải pháp để phục vụ số đông, không còn đơn giản là tìm giải pháp cho vấn đề của riêng bạn nữa đâu. Nhưng giải pháp bạn đưa ra thì có thể đúng, có thể sai, để biết được đúng hay sai thì phải kiểm tra thử, có thể là nói chuyện với chính những người dùng gặp vấn đề. Cuối cùng bạn sẽ tìm được giải pháp phù hợp.

Ảnh hưởng của UX

UX designer là người tạo ra giá trị cho người dùng, trong cuốn sách UX for beginners, tác giả sẽ cố gắng cover hết những kiến thức trong “khối kim tự tháp của UX” một cách cơ bản. Và ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi từ những viên gạch nền móng để có thể hiểu sâu hơn về UX.


Biên soạn bởi Hoàng Vũ, đang sống và làm việc tại Hà Nội.